Chê bai và khen ngợi

Thứ tư - 27/02/2013 16:03
(Dân trí) - Khi học trong nước, cô học trò tự nhận mình rất kém, tự ti. Nhưng khi sang nước bạn, em trở nên mạnh dạn, tiến bộ bất ngờ…Điều khác biệt với cô học trò là ở nước ngoài, em không còn sợ làm sai hay bị ám ảnh bởi những lời chê bai, trách mắng.

Cô là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, từng tham gia chương trình Học giả Việt Nam tại ĐH Portland (Mỹ) do Intel hỗ trợ, kể rằng khi học trong nước, em rất kém, tự ti, ít khi dám thể hiện khả năng của mình. Nhưng chỉ một thời gian ở nước ngoài, em và những học sinh Việt Nam khác đều tiến bộ rất nhanh, trở thành những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Điều khác biệt cô sinh viên cảm nhận rõ nhất lúc học ở nước ngoài là khi làm bất cứ việc gì, điều học trò nhận được đầu tiên là “good good” kèm lời cảm ơn của những người xung quanh. Nếu mình làm tốt, họ sẽ ghi nhận, còn nếu chưa đúng thì sẽ được những lời góp ý với tính xây dựng. Cô hiểu thêm vì sao sinh viên các nước lại năng động, giỏi giang và có sự khác biệt với sinh viên nước mình đến vậy.

Chê bai v� khen ngợi
Học sinh nước ngoài dám thể hiện mình vì các em được tin tưởng, không phải đối diện với những lời chê bai, cười nhạo (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Thái Minh Thùy, nữ sinh Việt đang theo học tại Trường ĐH Sydney - người khiến ngành giáo dục Úc phải ngỡ ngàng vì kết quả học tập cũng như khả năng tiếng Anh chia sẻ, mới đầu đi du học, em rất lo sợ vì cách phát âm tiếng Anh khó nghe của mình. Em sợ bị cười nhạo, bị chê bai…

Nhưng không, khi Thùy phát âm sai, không một ai cười nhạo mà đổi lại là thái độ thân thiện và thẳng thắn của bạn bè, thầy cô quốc tế. Họ khen ngợi nỗ lực của Thùy và giúp cô biết mình phát âm chưa chuẩn ở điểm nào để sửa lại.

Điều mà Thùy và nhiều du học sinh thừa nhận rằng rất khó tìm thấy ở môi trường giáo dục trong nước.

Từ khi còn rất nhỏ, học trò chúng ta đã được “rèn giũa” với những hình phạt, lời trách móc của giáo viên, cha mẹ mỗi khi chưa ngoan, chưa giỏi. Trẻ em Việt Nam sống chìm ngập trong những lời chê bai, cười nhạo của người xung quanh. Bị điểm kém, có thể các em sẽ bị lêu lêu giữa lớp với những lời cười cợt, chế nhạo. Về nhà, các em tiếp tục bị cha mẹ áp dụng các hình phạt như đánh tay, quỳ gối… kèm theo những lời ngu, yếu, dốt.

Vui chơi, ăn uống, học tập hay bất cứ công việc gì, nếu các em làm không đúng ý người lớn thì y như rằng sẽ bị quát nạt, chê bai đủ bề. Thậm chí… chưa làm đã bị chê.

Chúng ta giáo dục (cả nhà trường và gia đình) bằng những lời chê vì nghĩ chê trẻ mới tiến bộ. Nhưng sau đó, thay vì góp ý giúp các em biết chỗ chưa đúng để khắc phục, cách nhanh vào gọn nhất là người lớn làm thay các em.

Chúng ta đang dần tạo lên một thế hệ “gà công nghiệp”. Khi sợ bị chê, bị phạt, không được người khác tin tưởng các em rất sợ rủi ro, sợ trách nhiệm. Đó là con đường ngắn nhất giúp đứa trẻ có lối sống thụ động, không dám sáng tạo, thể hiện mình.

Ở nước ngoài, nhất là ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Úc, Nhật…, người ta đặt niềm tin ở con trẻ từ rất sớm. Kể cả khi trẻ hoàn thành mọi việc rất tệ thì việc đầu tiên của thầy cô, cha mẹ là khen ngợi nỗ lực của chúng. Sau đó, họ mới chỉ ra điểm chưa đúng, còn thiếu với sự góp ý chân thành. Thế nên, học trò, con cái họ không sợ sai, dám dấn thân, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm. Và hơn hết, trẻ em có động lực để cố gắng vì luôn được người khác tin tưởng vào mình.

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
DANH MỤC NỘI DUNG
HỖ TRỢ QUẢN TRỊ WEB
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay46
  • Tháng hiện tại1,397
  • Tổng lượt truy cập237,489
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây